20

Các sư gia teen tham gia toạ đàm làm sao để học tốt và yêu thích môn lịch sử

5/5 - (1 bình chọn)
Đó là câu hỏi được đặt ra và cũng đã có rất nhiều gợi mở để trả lời trong khuôn khổ buổi Tọa đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn Lịch sử” được tổ chức chiều 11/01 tại Hà Nội.

Ý kiến của học sinh tại buổi Tọa đàm - Ảnh: Minh ChâuBuổi Tọa đàm do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức trước thềm vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”.

Buổi Tọa đàm có sự tham gia của 85 thí sinh xuất sắc đến từ 63 tỉnh, thành phố dự thi vòng chung kết Cuộc thi tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”.

Yêu nhưng không thích học

Nếu chỉ qua cách nói chuyện thì không ai có thể nghĩ Rufino Aybar là người nước ngoài. Rufino sử dụng tiếng Việt một cách thuần thục và hoàn toàn hòa nhập trong môi trường giáo dục Việt Nam. Rufino Aybar, học sinh lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết, chính vì biết được lịch sử hào hùng và nền văn hóa lâu đời của Việt Nam mà gia đình Rufino đã đi đến quyết định rời đất nước Tây Ban Nha, chọn Việt Nam là quê hương thứ hai để sinh sống. Nhưng, nói về môn Lịch sử mà Rufino Aybar được học trong nhà trường thì cậu học trò Tây Ban Nha lại nghĩ khác: “Nội dung trong sách giáo khoa quá nhiều chữ, nhiều nội dung, diễn biến khiến học sinh khó tiếp thu”.

Tại Tọa đàm, nhiều em cho biết, các em rất thích đọc sách lịch sử, nhiều cuốn sách hiếm các em phải cất công tìm mua rồi đọc một cách thích thú, say mê nhưng lại hoàn toàn không thích học lịch sử ở trường. Học lịch sử trong nhà trường đang theo hướng học để thi chứ không phải học để trang bị kiến thức.

Đừng coi Lịch sử là môn phụ

Theo GS Vũ Minh Giang, lịch sử có vai trò rất quan trọng khi nhìn nhận, đánh giá một con người. Qua lịch sử sẽ cho biết sự khác biệt giữa dân tộc này và dân tộc khác. Lịch sử là bộ môn khoa học nhưng liệu đã được đối xử như một môn khoa học thực sự hay chưa bởi đã là môn khoa học thì phải dạy cho học sinh phương pháp, cách tư duy, GS Giang nói.

Bộ môn lịch sử có vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng thế hệ trẻ về kiến thức, văn hóa, phẩm chất đạo đức và phong cách sống, giúp người học thấy được quá trình phát triển của thế giới, của xã hội loài người nói chung hay hiểu hơn về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó có những biểu hiện đúng đắn trong quá trình học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc dạy và học bộ môn này còn nhiều bất cập. Ở nhiều nơi, giáo viên vẫn dạy bằng phương pháp truyền thống thầy đọc – trò chép, chưa tạo hứng thú cho học trò. Học sinh, phụ huynh chỉ coi lịch sử là môn phụ chưa thực sự chú ý quan tâm nhiều đến bộ môn này dẫn đến kết quả dạy và học chưa cao.

Ở góc độ người dạy, cô giáo Lê Thị Mỹ Dung, trường THPT Phan Đình Phùng – người được nhiều thế hệ học trò yêu quý vì tính cách, trình độ và cách dạy Lịch sử cuốn hút chia sẻ, nhiều học sinh của cô thú nhận rất thích nghe cô dạy, chờ đón những giờ Lịch sử nhưng không lựa chọn thi môn này. Có những em khả năng học rất tốt, các em có đam mê, được nhà trường chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi nhưng lại đến xin cô cho ra khỏi đội tuyển vì bố mẹ không đồng ý. Quan điểm của đa số phụ huynh là hướng các con tới các môn học dễ kiếm việc, có thu nhập cao chứ không quan tâm đến khả năng, niềm yêu thích của các con là gì…

Tọa đàm là cầu nối để học sinh và các thầy cô giáo trao đổi cách học Lịch sử và tìm giải pháp để học sinh học tốt và yêu thích môn học này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0976.523.293 - 038.755.1495