93

Học sinh lên tiếng vì sao ngày càng xa rời Lịch sử

5/5 - (1 bình chọn)

‘Tại sao sách giáo khoa luôn nhắc đến sự thất bại, hy sinh trong chiến tranh rất nhẹ nhàng trong khi các tài liệu lịch sử bên ngoài có cái nhìn khách quan, đánh giá toàn diện vấn đề hơn?’, một học sinh đặt câu hỏi về cách dạy lịch sử.

Tọa đàm “Làm sao để học tốt và yêu thích môn Lịch sử” tổ chức ở trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chiều 11/1 với sự tham dự của nhiều học sinh giỏi lịch sử khắp các tỉnh thành… Hội trường nhỏ nóng lên khi giáo sư Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đặt câu hỏi “Vì sao các em ngày càng không yêu quý môn Lịch sử?”. Hàng chục cánh tay giơ lên.

Em Đào Duy Tân, THPT chuyên Thái Bình cho rằng xuất phát từ chính cách dạy, cách thi hiện nay. Trên lớp, giáo viên truyền đạt kiến thức khô khan, chủ yếu là con số, sự kiện. Đề thi rất đóng, trả lời trúng ý là được. Học sinh chỉ cần học thuộc cho qua kỳ thi, sau đó thì quên sạch. “Vậy nên mới có chuyện khôi hài là học sinh cho rằng vua Quang Trung với Nguyễn Huệ là hai người khác nhau”, Tân nói.

Đồng tình với ý kiến trên, em Thúy Ngân, THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) kể, nhiều thầy cô bảo học sinh chỉ cần học trong sách giáo khoa mà đi thi. Trúng đề thì điểm cao, nhưng chỉ cần đề chuyển hướng một chút là học sinh không thể tư duy, thậm chí là điểm yếu, điểm liệt Lịch sử.

Học sinh bày tỏ, sách giáo khoa ngồn ngộn sự kiện, con số mà không có thông tin các em muốn. “Tại sao sách giáo khoa luôn nhắc đến sự thất bại, hy sinh trong chiến tranh rất nhẹ nhàng trong khi các tài liệu lịch sử bên ngoài có cái nhìn khách quan, đánh giá toàn diện vấn đề hơn? Bọn em muốn sách giáo khoa cũng nên có những đánh giá khách quan về sự thắng – bại sau mỗi trận chiến như vậy”, em Lê Nguyễn Thái Dương đến từ Vĩnh Long nói.

hoc-sinh-len-tieng-vi-sao-ngay-cang-xa-roi-lich-su
Nữ sinh THPT Phan Đình Phùng cho rằng, nhiều học sinh không thích, không chọn môn Sử vì các trường đại học tốp đầu đều không có chỗ cho môn học này. Ảnh: H.P.

Một nữ sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) lên tiếng, không phải mọi học sinh đều ghét môn Lịch sử, nhưng các em có yêu Sử đến mấy mà định hướng tương lai, mục đích cuộc đời không hướng đến chuyên ngành có môn học này thì cũng không chọn. Học Sử đôi khi chỉ để cho qua kỳ thi, giáo viên cũng dạy cho có. Việc học Sử trở nên khô khan, vì thế môn học này không được tôn trọng.

Những lý giải của học trò cũng là nỗi niềm của cô Lê Thị Mỹ Dung, giáo viên dạy Sử trường THPT Phan Đình Phùng. Theo cô, xã hội hiện nay đặc biệt coi trọng các môn tự nhiên, còn khoa học xã hội thì bị xem nhẹ, Lịch sử càng bị coi thường. Ở trường Phan Đình Phùng, khi cô hỏi các em đều nói rằng thích nghe giảng, nghe kể về lịch sử nhưng không lựa chọn thi.

“Có nhiều em yêu thích môn Sử và đăng ký vào đội tuyển học sinh giỏi, rồi lại xin rút vì gia đình không đồng ý cho theo”, cô kể và khi chia sẻ với phụ huynh thì biết rằng họ không cho theo đuổi vì trong cuộc chạy đua vào trường tốp đầu, rất ít trường tuyển sinh môn học này. Nếu có cố, sau này cơ hội việc làm và công việc lương cao càng khó hơn. Nhiều phụ huynh định hướng con học kinh tế, kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… mới là ngành hot, mang lại cơ hội việc làm cao hơn. Điều đó càng rõ nét trong năm cuối cấp khi các em lựa chọn môn thi. Giáo viên dạy Sử rất chạnh lòng, ảnh hưởng ít nhiều đến nhiệt huyết dạy học.

Làm thế nào để Lịch sử hấp dẫn học sinh?

Không chỉ bày tỏ chính kiến, các học trò 17-18 tuổi còn đưa ra nhiều ý kiến để học Lịch sử tốt hơn, khiến nhiều khách mời phải gật đầu tán thưởng. Theo em Nguyễn Tiến Mạnh, THPT Chu Văn An (Hà Nội), sự quan tâm của xã hội đối với bộ môn này phải được đưa lên hàng đầu.

hoc-sinh-len-tieng-vi-sao-ngay-cang-xa-roi-lich-su-1
Theo Nguyễn Tiến Mạnh (THPT Chu Văn An) thì muốn “chấn hưng” môn Lịch sử cần phải đặt vấn đề quan tâm của xã hội lên hàng đầu. Ảnh: H.P.

Mạnh kể khi sang Singapore vào mùa hè năm ngoái, em thấy ở đại lộ Orchard có treo rất nhiều phông nền chứa thông tin về anh hùng dân tộc, như tổng thống đầu tiên được in trên tiền đôla Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, hay Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long… Họ cũng đưa nhiều tri thức về lịch sử vào trong trò chơi, thậm chí là một gói bim bim.

Mạnh kể, trường Chu Văn An thường tổ chức nhiều bài viết tìm hiểu về truyền thống trường Bưởi, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 30 năm đất nước đổi mới… và có trao thưởng đàng hoàng. Đó chính là cách học lịch sử gần gũi, khuyến khích học sinh tìm hiểu sâu hơn. Muốn biết kiến thức rộng lớn thì trước tiên phải biết mái trường, con phố, tên làng, xóm từ đâu mà có.

Nam sinh cũng cho rằng, học sinh Việt Nam cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của Lịch sử. Ai quan tâm đều biết muốn du học Mỹ thì phải trải qua một bài kiểm tra về lịch sử nước Mỹ. Đi đến bất cứ nơi đâu cũng vậy, cánh cửa mở ra đầu tiên đều là lịch sử, văn hóa rồi mới đến yếu tố khác.

Học sinh Rufino Aybar đang theo học lớp 11, THPT Phan Đình Phùng kể gia đình em khi rời Tây Ban Nha đã quyết định đến Việt Nam định cư. Những bộ phim tài liệu lịch sử về Việt Nam, chiến thắng trước đế quốc khiến em cảm động và ngưỡng mộ Việt Nam. Thế nhưng, gần đây em thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo coi Lịch sử là môn học phụ khiến môn này mất đi vị thế, kém quan trọng hơn.

Theo Rufino, học sinh cần nuôi dưỡng tình yêu lịch sử bởi đây là môn khoa học có sứ mệnh giáo dục và đào tạo những công dân tốt, lao động giỏi và có trách nhiệm với xã hội. Dù mai sau có làm công việc gì thì những hiểu biết về dân tộc vẫn cần thiết cho cuộc sống. “Đối với em, đây vẫn là môn học quan trọng”, Rufino khẳng định.

Rufino Aybar góp ý về cách học Lịch sử
Rufino Aybar (Tây Ban Nha) nói về môn Lịch sử.

Nữ sinh Thu Uyên (Ninh Bình) cho rằng không chỉ có học sinh mới cần yêu thích và biết nhiều về Lịch sử mà người lớn cũng cần học sử. Người Việt giờ thuộc lịch sử Hàn Quốc, Trung Quốc hơn sử Việt vì thường xuyên được xem những bộ phim cổ trang của các nước trên. Truyền hình thiếu vắng các bộ phim về lịch sử, khiến đôi khi các em muốn tìm hiểu cũng khó.

“Ở Ninh Bình có vua Đinh Tiên Hoàng thuở nhỏ lấy cờ lau tập trận. Sau khi xem phim Đinh Tiên Hoàng Đế kể về cuộc đời, sự nghiệp của ông, em biết nhiều hơn, các mối quan hệ, biến cố lịch sử dù phim có nhiều chi tiết chưa khớp với thực tế, nhưng so với việc nhồi nhét toàn chữ trong sách thì vẫn dễ hiểu, dễ nhớ hơn nhiều”, Uyên nói.

Học sử để biết dân tộc mình đang đứng ở đâu

hoc-sinh-len-tieng-vi-sao-ngay-cang-xa-roi-lich-su-2

Giáo sư Vũ Minh Giang. Ảnh: H.P.

Lắng nghe hàng chục ý kiến, GS Vũ Minh Giang rất tán thưởng khi các em dám nói thẳng, nói trúng vào thực trạng học Lịch sử hiện nay, nhất là trong trường phổ thông. Theo GS Giang, ai cũng nói Lịch sử quan trọng, nhưng quan trọng như thế nào thì chưa thấy được, ngay cả những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục. Nếu chỉ xem Lịch sử là bộ môn làm nhiệm vụ giáo dục truyền thống thì có lẽ chưa xứng tầm, chưa kể cách giáo dục còn đơn điệu, dạy không đúng cách trở thành áp đặt, khiến học sinh ngày càng xa rời Lịch sử.

“Cần đối xử với Lịch sử như là một khoa học. Đừng nghĩ rằng học Sử chỉ để thi khối C, học Sử để trưởng thành, hiểu về dân tộc. Nó cần cho người làm lãnh đạo, làm bác sĩ, kỹ sư, cả người công nhân, nông dân”, ông nói và nhấn mạnh, 3 hành trang quan trọng để một người bước vào đời, gồm có: khả năng tư duy, tiếng mẹ đẻ và biết mình là ai. Việc “biết mình là ai” đó chính là học Lịch sử.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, trong tương lai, hình thức thi đại học “cổ lỗ sĩ” theo khối A, B, C sẽ không còn phù hợp nữa. Thi đại học sẽ theo hướng đánh giá năng lực, tích hợp kiến thức các ngành khoa học vào cùng một đề thi. Vì vậy, mỗi học sinh cần nhìn lại cách học Lịch sử của bản thân để có thái độ đúng hơn với môn học cũng như với truyền thống dân tộc.

“Hãy cứ trở thành bác sĩ, doanh nhân, kỹ sư nếu bạn hay gia đình bạn muốn, nhưng trước hết cần biết mình là người Việt Nam, biết dân tộc mình đang đứng ở đâu, mạnh yếu thế nào”, ông nói.

Vượt qua hơn 300.000 thí sinh trên cả nước, 85 gương mặt xuất sắc đang theo học các trường THPT thuộc 62 tỉnh thành trên cả nước có mặt tại Hà Nội để tham gia vòng chung kết cuộc thi “Tự hào Việt Nam” từ 11/1 đến 13/1. Các thí sinh sẽ phải trải qua 4 vòng thi: Theo dòng lịch sử, Hành trình đến địa chỉ đỏ, Danh nhân đất Việt và Tự hào Việt Nam để tìm ra chủ nhân của giải nhất trị giá 15 triệu đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0976.523.293 - 038.755.1495