12358

Những trận chiến lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam

4.5/5 - (12 bình chọn)

Trong suốt hơn một thiên niên kỷ qua, quân và dân Việt Nam đã giành được hàng loạt chiến thắng hết sức lẫy lừng trước những kẻ thù hùng mạnh hơn rất nhiều.

Đại chiến trên sông Bạch Đằng

Năm 938 đánh dấu sự kiện lịch sử đối với dân tộc Việt Nam khi Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận đại chiến trên cửa sông Bạch Đằng lừng lẫy. Giành lại độc lập cho dân tộc sau hơn 1.000 năm bị phương Bắc đô hộ, trận chiến trên sông Bạch Đằng còn mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Mô tả trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938.

Trước những chiến thuyền hùng mạnh của kẻ thù, Ngô Quyền đã chỉ đạo quân và dân đóng cọc gỗ bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng, nay là một con sông chảy giữa thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh và huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40 km. Khi nước triều lên, tất cả cọc bị nước nhấn chìm, khiến kẻ địch không thể phát hiện.

Lừa chiến thuyền của kẻ địch tiến vào bãi cọc đúng thời điểm nước triều rút, tất cả chiến thuyền của quân Nam Hán đều bị phá hủy và chìm xuống đáy nước. Chỉ huy quân Nam Hán là Hoàng tử Lưu Hoằng Tháo cùng quá nửa binh sĩ bị giết trong trận đại chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử. Không chỉ giúp bảo vệ non sông đất nước, Hải chiến sông Bạch Đằng còn mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho đất Việt.

Trận chiến trên dòng sông Như Nguyệt

Trận Như Nguyệt là trận đánh lớn, diễn ra ở một khúc trên sông Như Nguyệt (hay sông Cầu) vào năm 1077. Là trận đánh quyết định cho cuộc chiến tranh Tống – Việt. Chiến thắng trên sông Như Nguyệt khiến triều Tống của Trung Quốc không dám cất quân xâm lược, buộc phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập.

Mô tả phòng tuyến trên sông Như Nguyệt.

Trận chiến trên sông Như Nguyệt do danh tướng Lý Thường Kiệt chỉ huy. Trước binh lực hùng mạnh của kẻ thù, Lý Thường Kiệt chọn chiến lược phòng thủ. Chọn khu vực phía nam sông Cầu để quyết thủ, Lý Thường Kiệt đã ra lệnh xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt để biến nơi đây thành trận địa quyết định của cả cuộc chiến.

Sau thời gian dài không thể tiến về Thăng Long, kinh đô Đại Việt, quân Tống lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Thất bại liên tiếp, nhiều quân sĩ chết vì dịch bệnh cùng việc bị quân của Lý Thường Kiệt toàn lực tấn công, quân Tống buộc phải rút về nước. Chiến thắng của Lý Thường Kiệt được xem là chiến thắng lớn nhất kể từ sau trận Bạch Đằng năm 938 của dân tộc Việt.

Ba trận đại chiến chống quân Nguyên Mông

Khi đế chế Mông Cổ lê vó ngựa khắp thế giới, đội quân hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn nhanh chóng thôn tính một diện tích rộng lớn ở châu Á và châu Âu. Cháu nội Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt đã lập ra triều đại nhà Nguyên ở Trung Quốc. Từ năm 1257 tới 1288, quân Nguyên Mông tổ chức ba đợt tấn công lớn nhằm thôn tính Đại Việt.

Trước 3 lần tấn công của quân Nguyên Mông trong các năm 1257-58, 1284-85 và 1287-88, quân và dân nhà Trần, dưới sự chỉ huy của danh tướng Trần Hưng Đạo, đã liên tiếp đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, bảo vệ toàn vẹn độc lập chủ quyền của nhà nước Đại Việt. Với chiến thuật “vườn không nhà trống”, quân Nguyên Mông hùng mạnh rơi vào cảnh thiếu lương thực để rồi sau đó bị đẩy lùi nhanh chóng.

Trong trận chiến cuối cùng, quân Nguyên Mông dễ dàng giành chiến thắng khi mới tiến đánh Đại Việt. Tuy nhiên, do không thể lấy được lương thực từ người dân địa phương nên đạo quân lớn nhanh chóng lâm vào tình cảnh đói khát, mệt mỏi. Khi bị phản công, quân Nguyên Mông hoàn toàn không có cơ hội đáp trả. Cánh quân thủy bị tiêu diệt hoàn toàn tại tử địa Bạch Đằng, nơi quân Nam Hán từng bị Ngô Quyền tiêu diệt.

Trận Chi Lăng – Xương Giang

Là sự kiện mang tính quyết định trong cuộc chiến chống ách đô hộ của nhà Minh, Trung Quốc, Trận Chi Lăng – Xương Giang, diễn ra từ ngày 8/10 đến ngày 3/11/1427, giúp nghĩa quân Lam Sơn giành chiến thắng quyết định trước kẻ thù, đập tan ách đô hộ của phương Bắc. Với đội quân ban đầu chỉ vài ngàn người, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn không ngừng lớn mạnh, đập tan ách thống trị của nhà Minh với hàng chục vạn binh sĩ.

Lê Lợi.

Năm 1426, khi quân Lam Sơn vây hãm đạo quân của Vương Thông ở Đông Quan, nhà Minh quyết định phái hai đạo quân lớn sang Việt Nam giải cứu. Với đạo quân viện binh lên tới 20 vạn người, nghĩa quân Lam Sơn liên tiếp tổ chức đánh hạ quân địch. Lần lượt các tướng nhà Minh đều bị tiêu diệt, trong đó có Liễu Thăng, chỉ huy 10 vạn quân.

Trận hải chiến lớn nhất lịch sử Rạch Gầm – Xoài Mút và chiến dịch Điện Biên Phủ là những thắng lợi mãi vang danh trong lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Hải chiến Rạch Gầm – Xoài Mút

Trận chiến lớn trên sông, diễn ra đêm ngày 19 rạng sáng 20/1/1785 giữa quân Tây Sơn và Liên quân Xiêm – Nguyễn. Do xảy ra trên khúc sông Rạch Gầm – Xoài Mút, nay thuộc tỉnh Tiền Giang, nên tên của trận chiến này được gắn liền với nơi xảy ra giao chiến.

Hải chiến Rạch Gầm – Xoài Mút.

Nhận lời cầu cứu của chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh, vua Xiêm cử khoảng 2 vạn lính thủy, 3 vạn lính bộ cùng 3.000 – 4.000 quân nhà Nguyễn tới đánh quân Tây Sơn. Trước đội quân vượt trội hơn hẳn về số lượng, Nguyễn Huệ bí mật cho quân và tàu phục kích tại những nơi hiểm yếu trước khi tiến hành khiêu khích để dụ kẻ địch vào trận địa phục kích.

Diễn ra chỉ trong một đêm, quân Tây Sơn đã nhấn chìm 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của quân Xiêm cùng một số lượng lớn quân của Chúa Nguyễn, Nguyễn Ánh.  Không chỉ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, Nguyễn Huệ còn đập tan âm mưu mượn tay chúa Nguyễn để xâm chiếm lãnh thổ Đại Việt của vua Xiêm.

Trận Ngọc Hồi – Đống Đa

Chỉ 4 năm sau chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn tiếp tục giành được đại thắng trước quân xâm lược nhà Thanh vào miền Bắc Đại Việt. Quân Tây Sơn gây bất ngờ cho địch khi tấn công vào những ngày đầu năm mới, năm Kỷ Dậu 1789.

Quang Trung và trận Ngọc Hồi.

Sở hữu đội tượng binh, với trên 100 voi chiến, quân Tây Sơn giành đại thắng vang dội ở Đồn Ngọc Hồi, khiến binh địch ồ ạt tháo chạy về Thăng Long. Trên đường rút chạy, quân Thanh bị mai phục, chết nhiều. Đại thắng ở Ngọc Hồi tạo bàn đạp cho quân Tây Sơn tiến thẳng về Thăng Long, buộc chỉ huy giặc là Tôn Sĩ nghị tháo chạy thoát thân.

Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là thành quả nhiều năm chuẩn bị của Quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, nay là thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là chiến thắng lớn và quan trọng nhất, đóng vai trò quyết định cho chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 của Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Wikipedia.

Gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã buộc quân Pháp ở pháo đài “bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ phải đầu hàng tháng 5/1954, sau suốt gần 2 tháng nằm dưới tầm đạn pháo của quân đội Việt Nam. Thảm bại ở thung lũng Mường Thanh khiến Pháp và Mỹ buộc phải công nhận hòa bình của Việt Nam.

Trên phương diện quốc tế, chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam đã đi vào lịch sử nhân loại bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ của đồng minh Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đập tan tham vọng duy trì thuộc địa ở Đông Dương của Pháp mà còn tạo bàn đạp cho các nước thuộc địa Pháp ở châu Phi vùng lên giành độc lập.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, khiến cả thế giới phải cúi mình thán phục. Nhằm ép đoàn Việt Nam vào thế bất lợi trên bàn đàm phán, Mỹ đã dùng máy bay B-52 ồ ạt ném bom thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam.

Pháo cao xạ, tên lửa SAM của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, những cuộc tập kích ồ ạt, táo bạo của Mỹ đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quân và dân Việt Nam, với kết cục không thể bi thảm hơn cho người Mỹ. Được mệnh danh là pháo đài bay “bất khả xâm phạm” nhưng bầu trời miền Bắc Việt Nam là tử địa với B-52 của Mỹ. Trong 12 ngày đêm ồ ạt tấn công, trên 80 máy bay Mỹ, trong đó có hơn 30 pháo đài bay B-52 đã bị bắn hạ, hàng trăm phi công chết hoặc bị bắt làm tù binh.

Gây bất ngờ lớn cho thế giới sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến thắng rền vang trên bầu trời Hà Nội những ngày tháng 12 năm 1972 tiếp tục khiến thế giới bội phần thán phục tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam, tạo lợi thế lớn cho phái đoàn đàm phán của ta ở Paris, Pháp. Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là quốc gia đầu tiên và duy nhất bắn hạ các pháo đài bay B-52 của Mỹ, dù chúng đã và đang được Washington tin dùng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh

Là chiến dịch cuối cùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi hoàn toàn, dẫn tới sự chấm dứt 21 năm chia cắt hai miền Nam – Bắc, đưa non sông nối liền một dải.

Xe tăng quân giải phóng trong Dinh độc lập. Ảnh: Wikipedia.

Diễn ra từ ngày 26/4 và kéo dài tới ngày 2/5/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch lớn nhất, ngắn nhất và cũng là chiến dịch cuối cùng trong chiến tranh tại Việt Nam. Giống với chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ huy.

Với sự tham gia của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam, chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc với sự tan rã hoàn toàn của Ngụy quyền Sài Gòn, mang lại sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, vùng trời, vùng biển của Việt Nam sau hơn 100 năm bị nước ngoài chiếm đóng và chia cắt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0976.523.293 - 038.755.1495