43

‘Tự hào Việt Nam’ – Cách học lịch sử vô cùng thú vị

5/5 - (1 bình chọn)

Sáng 13/1, tại Hà Nội, diễn ra vòng Chung kết “Tự hào Việt Nam”. Cuộc thi do T.Ư Đoàn, Bộ GD&ĐT, Cty Cổ phần Egame tổ chức.

Đây là lần đầu tiên một cuộc thi hiểu biết về lịch sử Việt Nam qua tất cả các thời kỳ từ dựng nước, giữ nước, các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cho đến thông tin cập nhật nhất hiện nay khi Việt Nam gia nhập các tổ chức, hiệp định thương mại quốc tế… được học sinh khối trung học phổ thông nhiệt tình, tự giác tham gia.

Ban Tổ chức cuộc thi “Tự hào Việt Nam” vô cùng bất ngờ trước sự tham gia nhiệt tình, thể hiện tình yêu quê hương đất nước và đặc biệt kiến thức sâu rộng của đông đảo học sinh về lịch sử. “Khác hẳn với sách vở khá khô khan, cuộc thi được thiết kế rất hiện đại, dễ thi như một trò chơi trực tuyến trả lời theo dạng trắc nghiệm phù hợp với tâm lý của giới trẻ. Chúng em thi nhau tìm hiểu, trao đổi kiến thức và đăng ký tham gia để được thể hiện kiến thức của mình”, Trần Minh Tiến, học sinh của tỉnh Ninh Thuận, á quân cuộc thi chia sẻ.

Những kiến thức về lịch sử, văn hóa quan trọng của đất nước, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ, những người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực, qua các thời kỳ cũng như thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước trong thời kỳ đổi mới được thể hiện qua 4 phần thi: Theo dòng lịch sử, Hành trình đến địa chỉ đỏ, Danh nhân đất Việt và phần về đích có tên gọi Tự hào Việt Nam. Ví dụ như câu hỏi: “Khi biết tin quân Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, ai là người đề ra chủ trương “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc?” với 4 đáp án được đưa ra. Đáp án đúng là Thái úy Lý Thường Kiệt đã được 80/82 thí sinh vòng Chung kết trả lời đúng.

Với vai trò Trưởng ban Giám khảo vòng Chung kết cuộc thi, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội vô cùng bất ngờ, xúc động trước sự yêu thích của học sinh dành cho môn lịch sử. “Tôi vô cùng bất ngờ trước vốn hiểu biết của các em về lịch sử, văn hóa cội nguồn dân tộc mình. Các em không chỉ trả lời đúng nhiều câu hỏi khó mà còn ganh đua nhau từng phần chục của giây để giành chiến thắng”, GS Giang nói

Liên tiếp dẫn đầu các vòng thi một cách thuyết phục, Huỳnh Thanh Thân, học sinh lớp 11 trường THPT Trần Bình Trọng (Khánh Hòa) đã xuất sắc vượt qua gần 311 nghìn học sinh trên cả nước giành ngôi vô địch. Giải nhì thuộc về học sinh Trần Minh Tiến (Ninh Thuận).

Giải Nhất cuộc thi được thưởng 15 triệu cùng Bằng khen của T.Ư Đoàn. Giải Nhì 10 triệu đồng và 3 giải Ba mỗi giải 5 triệu đồng. Ngoài ra BTC trao nhiều giải thưởng cho tập thể có giá trị như tỉnh, thành Đoàn có số lượng học sinh tham gia nhiều nhất; có nhiều Video clip nhất…

Dịp này, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất phần thi video clip về tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” cho video “Thái Hòa trong tôi” với phần thưởng 15 triệu đồng. Ban tổ chức cũng đã trao giải Nhì cho học sinh trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc với phóng sự “Trang phục dân tộc niềm tự hào của học sinh trường PT Vùng cao Việt Bắc”. Giải Ba thuộc về phóng sự “Tôi yêu Sài Gòn” (THPT Long Thới, TPHCM); Video “Giới thiệu điêu khắc than đá tại Quảng Ninh” (THPT Cẩm Phả, Quảng Ninh), phóng sự “Địa đạo Vĩnh Mốc – Huyền thoại trong lòng đất” (THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị).

“Là người nghiên cứu lịch sử, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới Ban Tổ chức cuộc thi đã sáng tạo một sân chơi vô cùng lý thú, hấp dẫn giới trẻ để các bạn trẻ có điều kiện thể hiện tình yêu vốn có trong mỗi người dân đất Việt. Lịch sử là hồn quốc gia, là góc của con người, chỉ khi mỗi bạn trẻ ấy biết được mình sinh ra lớn lên, được tạo ra từ đâu, là ai thì các bạn mới lớn khôn, trưởng thành và đoàn kết xây dựng đất nước giàu mạnh” – GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0976.523.293 - 038.755.1495