Sau 4 tuần tổ chức, cuộc thi “Tự hào Việt Nam” đã thu hút gần 400.000 thí sinh từ 2.621 trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) thuộc 63/63 tỉnh, thành phố tham dự vòng loại cá nhân trực tuyến.
Hiện nay, khi không còn nhiều học sinh có niềm đam mê với Lịch Sử thì việc xuất hiện cuộc thi “Tự hào Việt Nam” do T.W Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, Công ty CP Trò chơi Giáo dục Trực tuyến Egame phối hợp tổ chức đã trở thành “cú hích” truyền cảm hứng và tạo động lực cho thế hệ trẻ.
Trong từng tuần thi, sự bám đuổi, hoán đổi vị trí của các đơn vị trường, tỉnh, thành trên bảng xếp hạng đã trở thành một sân chơi thú vị, hấp dẫn, thu hút đông đảo các bạn học sinh tham gia. Vòng chung kết toàn quốc là màn tranh tài gay cấn và kịch tính của 82 bạn thí sinh xuất sắc nhất từ 62 tỉnh, thành Đoàn trên cả nước.
Theo đánh giá của đa số các bạn thí sinh, cuộc thi “Tự hào Việt Nam” đã mở ra cho các bạn một sân chơi lịch sử đầy màu sắc mới mẻ dựa trên nền công nghệ hiện đại. Đây là bước đột phá về công nghệ, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tri thức lịch sử trên nền tảng ứng dụng CNTT biến các nội dung lịch sự khô khan thành các nội dung thi hấp dẫn, cuốn hút. Có được thành công trên chính là nhờ vào đội ngũ các kỹ sư trẻ của công ty Egame đã dành trọn tâm huyết để thiết kế hệ thống và vận hành cuộc thi.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Trưởng Ban Dân vận TW Đảng, bà Lâm Phương Thanh – Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Đảng và bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao giải Nhất cho em Huỳnh Thanh Thân, trường THPT Trần Bình Trọng, Khánh Hòa. |
Với góc nhìn của 1 số chuyên gia giáo dục và thầy cô giáo khi tham dự Lễ Tổng kết, nếu khai thác tốt, hệ thống trên sẽ rất thích hợp và ứng dụng hiệu quả vào việc thi trắc nghiệm, kiểm tra học kỳ, giúp các em học sinh hào hứng và có kết quả tốt hơn.
Đặc biệt, cuộc thi Tự Hào Việt Nam nổi bật ở nội dung thi video clip khi các thí sinh, nhóm thí sinh đã lên ý tưởng và tổ chức thực hiện, đồng thời, nhiều clip được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn về chuyên môn của các thầy, giáo cô giáo có hiệu ứng hiệu quả, thông tin lịch sử, văn hoá chính xác.
Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết đã nhận được 477 video clip giới thiệu các địa danh, di tích, danh nhân, loại hình văn hóa, nghệ thuật, các phong tục của địa phương, các bài học lịch sử về quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, các sự kiện, thời kỳ lịch sử của dân tộc của các em học sinh đến từ 255 trường THPT, TTGDTX thuộc 53/63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, trước vòng Chung kết toàn quốc “Tự hào Việt Nam” là một chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa như: Tọa đàm “Làm thế nào để học tốt và yêu thích môn lịch sử”; viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long; thăm trụ sở Quốc hội và gặp mặt lãnh đạo Quốc hội Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Với những kết quả trên, có thể khẳng định học sinh nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung vẫn luôn dành sự quan tâm, tình yêu và niềm đam mê nghiên cứu đối với văn hóa, lịch sử dân tộc, chắp cánh cho hoài bão của thế hệ trẻ được bay cao, bay xa hơn trong thời kỳ hội nhập.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo ưu tú Vũ Minh Giang “Lịch sử phải làm nhiệm vụ là cánh cửa trao lại những bài học kinh nghiệm ấy cho các thế hệ về sau, không chỉ là lịch sử trong nước mà cả lịch sử thế giới. Thứ ba là học lịch sử để nắm bắt được quy luật vận động của xã hội. Thứ tư, lịch sử giúp cho con người trở nên giàu có về tri thức, uyên bác. Thứ năm, lịch sử dạy tư duy hệ thống, chúng ta có thể đem câu chuyện cách đây hàng trăm năm áp dụng vào hôm nay…”.