Không quay lưng với lịch sử, giới trẻ Việt Nam vẫn có muôn vàn cách thể hiện tình yêu với quá khứ, từ những bộ trang phục cổ trang đến những bộ phim tái hiện lịch sử.
Mục lục
Lịch sử luôn là môn có điểm thi thấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Điểm thi Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tiếp tục ở mức thấp gần cuối bảng. Đây là điều khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm. Lý do gì khiến một môn học lẽ ra phải rất hấp dẫn, thu hút học trò lại duy trì kết quả kém như vậy trong nhiều năm nay?
Năm 2016, Lịch sử có điểm trung bình 4,32 – đứng thứ 2, theo thứ tự từ dưới lên. Năm 2017, môn Lịch sử là môn có điểm trung bình thấp nhất, chỉ 4,6 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ gần 62%. Năm 2018, tình hình còn tệ hơn, môn Lịch sử vẫn đứng ở vị trí bét bảng, với điểm trung bình chỉ 3,79. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm tỷ lệ 83%.
Năm 2019, năm Lịch sử là môn có điểm trung bình thấp nhất trong các môn thi, chỉ 4,3 điểm. Năm nay, trong bối cảnh điểm các môn đều tăng, điểm lịch sử cũng tăng nhẹ, tuy nhiên, vẫn xếp thứ tự thứ 2 từ cuối lên, với điểm trung bình là 5,19.
Việt sử kiêu hùng – Dự án phi lợi nhuận truyền cảm hứng sử Việt
“Học lịch sử chán lắm, khô khan lắm” hay “giới trẻ không yêu sử Việt” hay “lịch sử to tát quá không phải việc của mình”. Đó là những điều rất dễ bắt gặp mỗi khi nhắc tới Lịch sử. Có một nhóm bạn trẻ có tên gọi Đuốc Mồi đã quyết tâm thay đổi những định kiến đó bằng sự sáng tạo mới mẻ. Họ lập ra dự án có tên “Việt Sử Kiêu Hùng”.
Đây là dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt. Dự án được thực hiện dưới hình thức phim dã sử theo phong cách diễn họa (animation), tái hiện những nhân vật lịch sử, những trận đánh, hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
“Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang” – tập phim đạt gần 1,2 triệu lượt xem trên Youtube – con số kỷ lục, đầy bất ngờ đối với một phim lịch sử.
Dự án “Việt sử kiêu hùng” được khởi động từ tháng 6/2017, xuất phát từ mong muốn thực hiện đưa lịch sử Việt đến gần với người Việt qua những tập phim được thể hiện sáng tạo, hấp dẫn.
Tên gọi “Đuốc mồi” cũng gửi gắm hi vọng dự án sẽ như ngọn lửa mồi, làm bùng lên niềm yêu thích, tự hào đối với lịch sử dân tộc của các bạn trẻ.
Khởi nguồn từ dự án “Hùng ca sử Việt” của nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi, dự án “Việt sử kiêu hùng” của nhóm Đuốc mồi đã ra đời. Đến nay, nhóm đã hoàn thành tổng cộng 210 phút phim với hơn 21 tập phim lớn nhỏ. Trong đó có 2 series lớn: Tử chiến thành Đa Bang , Lý Thường Kiệt… Toàn bộ đều được thực hiện bằng nguồn lực huy động từ cộng đồng.
Mỗi tập phim được công bố là thành quả của sự nghiên cứu nghiêm túc, công phu từ những tài liệu lịch sử, các nhà sử học. Trên cơ sở đó, nhóm xây dựng kịch bản, thiết kế hình ảnh sao cho sinh động, lôi cuốn.
Với cách tiếp cận này, người xem dễ dàng ghi nhớ các dữ kiện lịch sử, thay vì đọc và học thuộc lòng trên những trang sách khô khan. Fanpage “Việt sử kiêu hùng” cũng thu hút hơn 1 vạn người yêu thích.
Trong tháng 9 này – phim “Bình Ngô đại chiến” sẽ chính thức được công bố. Ngay khi có thông báo trên Fanpage, hàng ngàn khán giả đã háo hức chờ đợi.
Lịch sử không khô khan và giới trẻ rất yêu sử Việt, chỉ cần tình yêu đó được khơi dậy đúng cách.
Người trẻ đam mê phục dựng trang phục cổ
Cuốn sách “Dệt nên triều đại”. Ảnh: Vietnam Center
Bên cạnh làm phim, các bạn trẻ đam mê Lịch sử, yêu Sử còn có những cách rất sáng tạo.
Những bộ trang phục từ hàng trăm năm trước, tưởng chỉ có thể nhìn thấy qua tranh ảnh hoặc tại bảo tàng thì nay đã được tái hiện sinh động dưới bàn tay của những người trẻ. Với mong muốn đưa trang phục cổ trở lại với đời sống hiện đại, họ đang dần xây dựng một xu hướng cho người trẻ tìm về với những nét đẹp của cha ông.
Từ những mũ miện của các ông hoàng, bà chúa cho đến những bộ triều phục cung đình đều được phỏng dựng, dựa trên nguồn tư liệu ít ỏi mà những người trẻ ở đây tìm được bằng nhiều nguồn.
Tìm kiếm hiện vật, lên phác họa 3D rồi tìm đến những nghệ nhân thủ công truyền thống để nhờ họ làm theo phác họa, mỗi bộ phục trang có khi phải mất cả năm trời để hoàn thiện.
Tuy nhiên, đó mới chỉ một nửa chặng đường mà các bạn trẻ này mong muốn. Cái họ muốn là thông qua những bộ trang phục cổ khơi dậy niềm yêu thích với Lịch sử của những người trẻ.
Áo Viên Lĩnh – trang phục phổ biến trong đời sống nguời Việt vào thời Lê Sơ, thế kỷ XV. Tấm áo đã được mô tả chi tiết trong cuốn sách “Dệt nên triều đại”, do nhóm tác giả thuộc Trung tâm văn hóa Vietnam Centre thực hiện. Không chỉ tập hợp dữ liệu lịch sử, các tác giả còn phục dựng và chụp ảnh minh họa những bộ trang phục thời kỳ Lê Sơ. Ngoài bản cứng, “Dệt nên triều đại” còn có bản số với hai thứ tiếng Việt – Anh.
Chủ đề về trang phục cổ của người Việt không mới, khi có nhiều học giả đã xây dựng lại hình ảnh tổng quan về cách thức ăn mặc của cha ông. Tuy nhiên, để phục dựng và minh họa bằng tranh hay ảnh thì số lượng sách hiện có rất ít.
Văn hóa truyền thống nói chung và trang phục cổ nói riêng được xem là giá trị cốt lõi của một dân tộc. Với tình yêu lịch sử, việc tiếp cận những nguồn thông tin chính xác và sự nghiên cứu nghiêm túc, chỉn chu, nhiều bạn trẻ đã khôi phục lại những đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chỉ nhìn vào những con số của điểm thi môn Sử không thể là thước đo toàn diện cho tình yêu lịch sử của người trẻ bởi họ vẫn đang yêu quá khứ theo những cách riêng của mình. Có hay chăng vẫn là cách kể về lịch sử, phản ánh lịch sử cần sinh động và hấp dẫn hơn nữa để thu hút các bạn trẻ. Chúng ta tin khi thế hệ trẻ của bất cứ quốc gia nào biết gìn giữ và trân trọng lịch sử, họ sẽ là những người đắp xây lên một tương lai dân tộc bền vững.